Với bất cứ loại hình công trình kiến trúc nào cũng vậy, một thiết kế tốt đều phải bắt đầu từ nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư. Sự khác biệt là ở cách mỗi người thiết kế giải quyết bài toán bằng khả năng chuyên môn và tư duy thẩm mỹ của mình để có một công trình vừa tốt vừa đẹp. Trong bài viết này là cách giải của KTS Nguyễn Hữu Công Khanh với một ngôi nhà diện tích nhỏ.
Ngôi nhà có diện tích nhỏ và ngắn (4,45m x 11,8m), nhưng chủ đầu tư muốn các không gian phải rộng rãi và có sự giao tiếp với nhau chứ không quá tách riêng và biệt lập. Đề bài ngắn gọn, giải pháp cũng đơn giản nhưng đòi hỏi người thiết kế phải suy nghĩ và chủ đầu tư phải thay đổi cách nghĩ. Về tổ chức không gian, giải pháp mà người thiết kế đưa ra là tận dụng theo phương đứng. Thường thì với các ngôi nhà phố diện tích nhỏ, người ta hay nghĩ cách sắp xếp các không gian để xe, tiếp khách, bếp và phòng ăn dưới trệt, ưu tiên các tầng trên cho các chức năng còn lại. Nhưng ở ngôi nhà này, vai trò của tầng trệt được giảm bớt, chỉ là khu vực để xe và tiếp khách, còn khu vực ăn và bếp được đưa lên lầu 1. Nhờ vậy, chừa được một khoảng diện tích tầng trệt tương đối rộng ở phía sau để bố trí hồ nước và cây xanh, khiến cho không gian thoáng mở và bầu không khí cũng mát mẻ, dễ chịu. Khoảng trống này cũng có vai trò như một khoảng thông tầng và nhờ vậy giải quyết luôn yêu cầu còn lại của chủ đầu tư. Kiến trúc sư bố trí đan xen các sàn theo mặt cắt kết hợp với khoảng thông tầng. Do đó, ánh sáng tự nhiên, cây xanh, mặt nước và khoảng trống thông tầng trở thành không gian kết nối các khu vực còn lại. Hiệu quả là từ phòng khách, bếp ăn, phòng ngủ đều có thể nhận được ánh sáng tự nhiên, đều có một tầm nhìn tươi mát ra mặt nước và cây xanh thông qua khoảng thông tầng này.